Thứ Tư, 12 tháng 11, 2014

Giải pháp nào để thúc đẩy giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng?

Tính đến thời điểm này, gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng đã triển khai được 16 tháng nhưng mới chỉ giải ngân được hơn 10%.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Tp.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu xung quanh vấn đề này

- Ông đánh giá thế nào về tiến độ giải ngân của gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ cho vay nhà ở cho đến thời điểm này?

Hiện nay, gói tín dụng ưu đãi dành cho người thu nhập thấp vay mua nhà ở 30.000 tỷ đồng mới chỉ giải ngân được hơn 10% với khoảng hơn 3.000 tỷ đồng trên phạm vi cả nước. Tại Tp.HCM, giải ngân được 709 tỷ đồng, cụ thể, đã giải ngân 344 tỷ đồng cho 1.192 khách hàng cá nhân. Như vậy, mỗi khách hàng cá nhân bình quân được vay 400-600 triệu đồng/người.

Để tháo gỡ nkhó khăn trong giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 61/2014/NQ-CP (ngày 21/8/2014) về việc mở thêm đối tượng khách hàng được vay là cán bộ, viên chức, công nhân vay để xây nhà trên đất có sẵn; người dân vay mua căn hộ, nhà đất có giá dưới 1,05 tỷ đồng; chủ nhà trọ vay để xây nhà trọ cho thuê; cho phép thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai; lãi suất khoản vay chỉ còn 5%/năm; thời gian vay kéo dài từ 10 năm lên 15 năm... Nhưng tiến độ giải ngân của gói tín dụng 30.000 tỷ đồng vẫn chưa có nhiều cải thiện.

- Cần có thêm những giải pháp gì để Nghị quyết 61 đi vào cuộc sống, thưa ông?

Nghị quyết 61 với những thay đổi đã phần nào tháo gỡ khó khăn trong việc giải ngân gói tín dụng này, tuy nhiên, để đẩy nhanh giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hơn nữa, HoREA kiến nghị, cần phải có những thay đổi mang tính đột phá.

Đơn cử, nên kéo dài thời hạn vay đến 20 năm; khách hàng vay mua nhà ở xã hội và vay mua nhà ở thương mại đều được ưu đãi 3 năm đầu chưa trả vốn gốc và lãi vay. Từ đó, khách hàng sẽ có một khoảng thời gian tích lũy tài sản, năm thứ 4 họ sẽ dễ dàng trả các khoản nợ này hơn.

Thứ hai, theo HoREA, khách mua sản phẩm của nhà đầu tư cấp 2 và chủ đầu tư xây nhà ở thương mại (dự án căn hộ dở dang hoặc căn hộ mới) có giá dưới 1,05 tỷ đồng cũng được vay gói tín dụng ưu đãi này. Việc làm đó sẽ góp phần giải phóng được hàng tồn kho và loại ra khỏi thị trường BĐS những nhà đầu tư yếu kém.

Thứ ba, Chính phủ về lâu dài nên hạ lãi suất cho người vay mua nhà ở xã hội xuống mức 3-3,5%/năm, điều đó phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, thủ tục vay vẫn còn vướng ở khâu xác nhận tình trạng nhà ở của khách hàng. Đối với cán bộ, viên chức, công nhân phải xin xác nhận tình trạng nhà ở của thủ trưởng đơn vị; người dân tự chịu trách nhiệm về tình trạng nhà ở và xin xác nhận của UBND cấp xã, phường. Điều này lại làm khó người xác nhận vì chính họ phải chịu trách nhiệm. Theo HoREA, nên quy định chỉ cần thủ trưởng đơn vị ký xác nhận là được.

Tại Tp.HCM, đến nay đã có 11 dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi sang nhà ở xã hội. Tuy nhiên, mới chỉ có 2 doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi này, đây là con số khá khiêm tốn. Bởi vì điều kiện để các doanh nghiệp BĐS có thể tiếp cận vay vốn của gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng là không dính nợ xấu.

Thị trường BĐS sẽ sôi động trở lại, tạo động lực cho doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu của người dân khi gói 30.000 tỷ đồng được tháo gỡ các vướng mắc, giải ngân nhanh hơn.

- Căn cứ vào kế hoạch, sẽ kết thúc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng đến 1/6/2016, trong khi nguồn cung nhà ở cho gói tín dụng này rất thiếu. Như vậy, làm sao để có nguồn hàng kịp đáp ứng nhu cầu của thị trường BĐS?

Hiện nay, có 2 giải pháp để tăng nguồn cung nhà ở xã hội nhanh đó là chia nhỏ căn hộ để có giá bán dưới 1,05 tỷ đồng hoặc chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội.

Việc chia nhỏ căn hộ đang gặp nhiều khó khăn khi nhiều dự án muốn thực hiện nhưng không được thực hiện bởi lý do sẽ tác động đến hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và kiến trúc tổng thể của thành phố.

Tôi cho rằng, trong giai đoạn chuyển đổi, chúng ta phải chấp nhận thực trạng này. Nếu không làm thay đổi tổng diện tích sàn, Chính phủ cho phép chia nhỏ căn hộ. Tuy quy mô dân số tăng nhưng vẫn nằm trong khả năng có thể chịu đựng được.

- Như thế, chúng ta làm sao đạt được mục tiêu diện tích nhà ở bình quân 25m2 sàn/người đến năm 2020, thưa ông?

Như trên đã phân tích, chúng ta phải chấp nhận điều kiện nhà ở không được rộng rãi và tiện ích chưa được đầy đủ trong giai đoạn chuyển đổi. Đơn cử như Singapore, việc phát triển đô thị cũng trải qua nhiều giai đoạn. Ở giai đoạn đầu, họ chấp nhận ở xấu, chật, không đủ tiện ích. 20-25 năm sau, Singapore xây dựng và cải tạo lại mới có được một đất nước quy hoạch và phát triển hiện đại như hôm nay.

(Theo Tin nhanh chứng khoán)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét